TP HCM: Căn hộ giá rẻ hụt nguồn cung
Qua khảo sát của Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở giá rẻ trong giai đoạn 2016 – 2020.
Căn hộ giá rẻ hụt nguồn cung
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy mô dân số TP.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số. TP có hơn 400.000 sinh viên; hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới. Qua khảo sát của Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở giá rẻ trong giai đoạn 2016 – 2020.
Căn hộ ở phân khúc trên dưới 1 tỷ hiện nay rất khan hiếm
Dù nhu cầu thực rất lớn, tuy nhiên, nguồn cung căn hộ ở phân khúc trên dưới 1 tỷ hiện nay rất khan hiếm. Báo cáo thị trường quý 3/2018, của DKRA Vietnam cho biết, căn hộ hạng A và B áp đảo, trong khi đó thị trường không có nguồn cung mới căn hộ hạng C.
Theo khảo sát thực tế, thị trường quý 4/2018, không có nhiều dự án vừa túi tiền được doanh nghiệp bung ra. Tại khu Nam, mức giá căn hộ gần như đã vượt mức 1,5 tỷ/căn hộ. Tháp Diamond Center, thuộc dự án Dream Home Riverside sắp ra mắt, với mức giá 1,2 tỷ/căn 2 phòng ngủ là, nguồn cung khá hiếm hoi tại khu vực này.
Tại khu Bắc TP.HCM, dự án ven sông Sài Gòn Vista Riverside, mức giá chỉ từ 777 triệu/căn, sắp công bố giai đoạn cuối, với nguồn cung chỉ hơn 200 căn hộ. Trong khi đó, các dự án Fresca Riverside, TDH Riverview chỉ còn bán vét những căn hộ cuối cùng.
Trước đó, dự án Flora Novia trên đường Phạm Văn Đồng, do Nam Long Group đầu tư, đã gặp sự cố khá hy hữu. Dự án này chỉ còn hơn 400 căn, nhưng số người đặt chỗ lên đến 1.500 người. Tranh cãi về phương thức ưu tiên mua theo hình thức bốc thăm hay theo số thứ tự đặt mua đã khiến buổi mở bán bị hủy.
Bên cạnh đó, nguồn cung lớn nhất trên thị trường đang chờ đợi là một dự án trên 300 ha tại quận 9. Dù môi giới đã chạy giữ chỗ nhiều tháng nay nhưng chủ đầu tư chưa hề có thông tin chính thức về thời gian mở bán. Dự án này được công bố từ cuối năm 2016 tuy nhiên chỉ thời gian gần đây mới thấy động thái triển khai trở lại.
Mặt bằng giá mới đang hình thành
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, phân khúc giá rẻ lâu nay vẫn là phân khúc có biên độ lợi nhuận thấp. Do đó, dù đánh giá cao về tính ổn định, bền vững và thanh khoản tốt nhưng không nhiều doanh nghiệp tham gia. Hơn nữa, để cạnh tranh về giá thấp thì nhất định phải có lợi thế về quỹ đất.
Với tốc độ tăng giá đất thời gian qua ở TP.HCM, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản SeaHoldings, cho rằng, mua đất làm dự án giá rẻ bây giờ khá rủi ro. Chi phí đất đội lên quá lớn, nếu không tính kỹ, dự án thanh khoản yếu thì những doanh nghiệp đi mua dự án có thể bị lỗ vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Tổng Giám đốc DKRS, trong khoảng 2 năm trở lại đây, mặt bằng giá căn hộ phân khúc bình dân đã tăng trên dưới 40%. Trước đây, nói đến căn hộ giá rẻ, người ta nghĩ ngay đến mức giá chỉ tầm trên dưới 1 tỷ. Tuy nhiên, thời điểm này mà tìm mức giá đó ở TP.HCM thì không dễ. Thay vào đó, mức giá phổ biến phân khúc này phải trên dưới 1,5 tỷ/căn hộ.
Về xu hướng sắp tới, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhận định, giá bán căn hộ, đặc biệt là phân khúc giá thấp sẽ còn gia tăng. Nguyên nhân do chi phí đầu vào từ tiền mua đất, chi phí xây dựng đều tăng. Với nguồn cung hạn chế thời gian qua, căn hộ của các dự án mới vẫn tiếp tục tiêu thụ tốt.
Trong khi đó, DKRA Vietnam cho rằng, thị trường đang có biểu hiện bất hợp lý ở tỷ lệ nguồn cung giữa các phân hạng căn hộ. Trên thị trường, nguồn cung căn hộ bình dân, giá rẻ đáng lẽ phải chiếm tỷ trọng lớn hơn nguồn cung căn hộ cao – trung cấp, vì đây là phân khúc đáp ứng đa phần nhu cầu nhà ở của người mua.
Để cải thiện và khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu như hiện tại, theo DKRA Vietnam, cần triển khai các chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hạn. Cùng với đó là chiến lược quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ giữa các khu vực, hoàn thiện hệ thống giao thông để rút ngắn thời gian di chuyển đến các dự án nhà giá rẻ.
Leave a Reply