Hướng dẫn cách tính giá tủ bếp đúng
Thông thường khi xây xong hoặc được bàn giao một căn nhà thì tủ bếp sẽ là một trong những hạng mục cần được gấp rút hoàn thiện để gia chủ có thể chuyển đến ở và sinh hoạt. Trước khi bắt tay vào tìm một đơn vị thi công tủ bếp tốt và uy tín bạn nên tìm hiểu sơ bộ về cách tính giá một tủ bếp hoàn thiện để có những hiểu biết cơ bản trước khi làm việc với các đơn vị cung cấp.
1. CÁCH TÍNH GIÁ TỦ BẾP CƠ BẢN:
Trong tính giá gỗ tủ bếp thông thường tủ bếp được chia làm hai bộ phận, tủ bếp trên và tủ bếp dưới. Có những đơn vị sẽ báo giá tủ bếp trên và tủ bếp dưới giá như nhau, nhưng có những nơi lại tính giá tủ bếp dưới cao hơn tủ bếp trên một chút tùy vào thông lệ của mỗi bên. Ngoài ra cũng tùy vào kiến trúc của căn nhà bạn nếu diện tích của mỗi tủ bếp trên và dưới quá chênh lệch cũng dẫn tới cách tính giá khác nhau. Nếu tính theo mét kép thì chiều dài của tủ bếp trên và tủ bếp dưới cộng lại nhân với đơn giá gỗ sẽ ra giá gỗ tủ bếp. Nếu tính theo mét đơn thì chiều dài tủ bếp trên nhân với đơn giá tủ bếp trên và chiều dài tủ bếp dưới nhân với đơn giá tủ bếp dưới rồi cộng lại sẽ ra giá gỗ tủ bếp. Giá báo cho khách hàng sẽ là giá bao gồm tiền gỗ và các phụ kiện cơ bản như: bản lề, ray trượt, chưa bao gồm đá mặt bàn bếp. Nếu bạn không có nhiều ngân sách cho tủ bếp thì bạn chỉ cần lựa chọn được loại gỗ phù hợp như xoan đào hay sồi và một loại đá bếp phù hợp là đã có thể sở hữu một căn bếp tạm đủ để sử dụng rồi. Nhưng nếu quan tâm hơn đến chất lượng, thẩm mỹ và công năng sử dụng thì bạn hãy xem tiếp mục 2 để biết cách tính giá các loại phụ kiện cần thiết cho một căn bếp đẹp và hiện đại.
2. CÁCH TÍNH GIÁ PHỤ KIỆN TỦ BẾP:
Những thương hiệu phụ kiện tủ bếp nhập khẩu từ các nước châu Âu uy tín, chất lượng và có độ bền cao có thể kể đến như Hafele, Hettich, Blum… tất nhiên giá thành cũng cao hơn so với các phụ kiện từ Đài Loan, Trung Quốc hay Việt Nam. Ngoài những bộ phụ kiện cơ bản cho tủ bếp đơn giản như bản lề, ray trượt, rổ giá đựng bát đũa, giá dao… thì những phụ kiện cao cấp khác như tay nâng, bản lề đóng êm, kệ góc xoay, nút đóng mở tự động, ray trượt tự động, giá đựng kéo lên xuống tự động, hệ thống ánh sáng mắt thần, đèn bếp, kính cường lực chịu nhiệt ốp bếp… Trong toàn bộ chi phí cấu thành nên tủ bếp thì phụ kiện chiếm một tỷ trọng không nhỏ, nhất là với những căn bếp hiện đại. Bạn có thể tham khảo tại các showroom hoặc các catalogue của các đơn vị cung cấp tủ bếp để lựa chọn cho mình những loại phụ kiện phù hợp. Thông thường các đơn vị cung cấp tủ bếp lớn sẽ là đại lý phân phối cấp 1 cho các hãng phụ kiện nên giá bán sẽ thường thấp hơn so với bạn mua trực tiếp tại showroom.
3. CÁCH TÍNH GIÁ THIẾT BỊ TỦ BẾP:
Tủ bếp sẽ không thể thiếu các thiết bị cơ bản để căn bếp có thể đi vào sử dụng như: bếp nấu, máy hút mùi, chậu rửa, sen vòi, lò vi sóng… Đây là những thiết bị cần có ngay khi thiết kế tủ bếp để có thể lắp vừa khít về kích thước và bố trí ở các vị trí, khoảng cách phù hợp. Trên thị trường đang có rất nhiều hãng khác nhau từ các hãng lớn của Tây Ban Nha (Fagor, Teka), Đức (Bosch)… đến các hãng phổ thông từ Malaysia (Electrolux), Việt Nam (Rinnai) và các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu chưa có thời gian đi mua thì bạn nên lựa chọn loại thiết bị dự kiến sử dụng để đơn vị thi công tủ bếp có thể thiết kế vị trí đặt chính xác và chừa chỗ để bạn lắp đặt sau khi mua.
Một tủ bếp hoàn hảo không chỉ là cần bền, đẹp mà còn cần tận dụng được tối đa diện tích và công năng sử dụng cho gia chủ. Chỉ cần nắm được những kiến thức cơ bản sẽ giúp ích cho bạn khi dự kiến chi phí hợp lý cho từng hạng mục của căn bếp không bị chi tiêu vượt quá ngân sách mà vẫn đầy đủ các phụ kiện và thiết bị cần thiết.
Leave a Reply