Bếp mới đừng nên “nới” bếp cũ

Và do đó, vấn đề “mới chớ nới cũ” ở gian bếp chẳng phải là quay về với quan niệm bếp núc cũ kỹ, mà là cách kế thừa sao cho gạn đục khơi trong, phát huy tốt các giá trị cơ bản của bếp và nâng cao chất lượng không gian sống nhiều hơn.

Dân gian ta hay có kiểu nói đôi khi thiếu tôn trọng về người nội trợ với cụm từ “quanh quẩn nơi xó bếp”, có lẽ bởi quan niệm xã hội trước đây xem chuyện bếp núc chỉ đóng khung ở góc khuất, góc phụ trong ngôi nhà.
Nhưng theo đà phát triển của khoa học – công nghệ và kinh tế – xã hội hiện nay thì những “xó bếp” thuở trước hầu như đang dần vắng bóng. Vị trí của người nội trợ đã được khẳng định, vai trò của không gian bếp núc được coi trọng hơn, chăm chút hơn. Đôi chỗ đã thấy xuất hiện những phong cách, quan niệm bố trí bếp mở, bếp hi-tech, bếp mang tính trình diễn… Và do vậy, câu chuyện về những giá trị cốt lõi và những yêu cầu cơ bản của một không gian bếp vẫn phải được duy trì, để những gia chủ tiêu dùng sáng suốt không bị dao động giữa những thái cực đôi khi trái ngược nhau về chuyện đầu tư cho không gian bếp.

20131114094003141Một góc bếp và quầy bar thật ấm áp, ấn tượng và tiện dụng dù chỉ với những vật liệu phổ biến, thậm chí rẻ tiền như cừ tràm, gỗ tạp.
Đây,

Về “thông số kỹ thuật”, những loại bếp sử dụng than củi hiện nay chắc chỉ còn tồn tại ở những khu vực hẻo lánh, vùng sâu vùng xa, hoặc thấp thoáng điểm xuyết trong những nhà hàng nướng BBQ, nơi dã ngoại cắm trại. Còn trong từng đơn vị nhà ở, chủ yếu phổ biến các loại bếp điện, bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại… Về “cơ sở hạ tầng” cho bếp cũng có bước chuyển rõ nét, từ những cái bệ ximăng hay tấm đan bêtông đặt trong góc nhà, bếp mới bây giờ như một nàng lọ lem được bước ra từ góc khuất ám khói, trở nên sáng đẹp lộng lẫy và ngày càng… không giống bếp (dĩ nhiên hiểu theo nghĩa là bếp kiểu xó xỉnh xấu xí sụt sùi củi lửa) của thuở trước chút nào!

Quan niệm của đa số gia chủ “chịu chi chịu chơi” hiện nay: xem bếp như là một trong những vị trí đắc địa để “khoe hàng” với thiên hạ. Từ vài chục triệu, vài trăm triệu đến cả tỉ bạc vẫn có thể được đầu tư cho khu vực bếp với trang thiết bị hàng hiệu, vật liệu trang trí đắt tiền, đèn chiếu sáng và phụ kiện hoành tráng… Ngay cả quan niệm cũ về một không gian bếp biệt lập khuất nẻo vốn được gọi là “nhà bếp, nhà sau, nhà dưới” dường như không còn được ưa chuộng nữa trong thời căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng hiện nay. Bây giờ bước vào căn hộ mở thấy ngay một khu bếp “mặt tiền” với không gian liên thông bàn ăn, sau đó lan ra sofa tiếp khách, quầy bar ăn nhẹ hoặc thậm chí khu sinh hoạt chung của cả gia đình. Biệt thự hay nhà phố rộng cũng vậy, bếp dưới trệt chỉ sau vài bước từ chỗ để xe đã có thể ngồi nhâm nhi vài ly ngắm nước chảy róc rách bên giếng trời, hoặc bếp đấy lên tận tầng thượng với cả khoảng trời xanh tươi mở ra cây cối, thư giãn và nhìn ngắm tối đa. Vai trò của khu bếp vì thế đã được “nâng tầm chiến lược” thành một không gian sinh hoạt và giao lưu chứ không chỉ gói gọn ở chức năng nấu nướng, ăn uống hàng ngày nữa. Từ việc tổ chức một bữa sinh nhật cho con cái, đến một buổi họp mặt hoành tráng của các ông chồng, hay làm nơi hàn huyên triền miên của các bà nội tướng, tất cả đều được mang “lên” bếp với đủ các chức năng, vị trí có thể làm hài lòng người khó tính nhất.

Cũng vì thế, có lẽ chỉ sau phòng khách, bếp kiểu mới đích thị giữ vai trò kết nối cũng như trở thành một công cụ tiếp thị hình ảnh cho gia chủ cực kỳ hiệu quả! Này nhé, con gái thử mới học làm món bánh, bên bếp xịn lóng lánh bố chụp hình, vài lời bình rồi mẹ đẩy lên “phây”, 30 giây thiên hạ vào tấm tắc, trong khoảnh khắc gian bếp thành lung linh, ôi nhà mình có gì đâu ngượng quá, bếp gần tỉ chói loá thế còn gì!!! Bạn của người viết, KTS Hà Anh Tuấn đã từng “móc thơ con cóc” khi ghé nhà gia chủ mới sắm giàn bếp 900 triệu đồng như một lời cảm thán về bếp thời hoành tráng, mạng xã hội lặn lội sát núm vặn gas, nhà nhà chia sẻ cho trẻ học đòi!

Dĩ nhiên, nói thế không có nghĩa là mọi nhà đều thích làm bếp mới chỉ để khoe, nhưng cũng không thể phủ nhận tính kỹ thuật và mỹ thuật ngày nay của bếp được cộng hưởng với hiệu ứng truyền thông – mạng xã hội để người đi sau theo gót kẻ đi trước, đầu tư mạnh hơn cho không gian bếp, chứ không phải là không gian nào khác trong nhà như phòng ngủ hay phòng thờ! Từ đó mới phát sinh thêm một dịch vụ mới mà trước nay chưa phổ biến: dịch vụ trọn gói về bếp, bao gồm từ việc thiết kế, cung cấp trang thiết bị, đến gia công sản xuất và lắp đặt trọn gói. Nhiều gia chủ chưa hiểu hết về dịch vụ này, cứ nghĩ rằng đã thuê kiến trúc sư, ông thầu hoặc nhà thiết kế nội thất thì việc họ lo luôn cho mình phần bếp là đương nhiên. Thực ra, lĩnh vực nào cũng cần có những nhà chuyên môn sâu, kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất có thể giúp gia chủ dựng khung xương một khu bếp liên quan đến phần bố trí không gian và thiết kế vật liệu ốp lát, đi điện nước dự phòng… Nhưng nếu đi sâu vào chi tiết hoặc khi gia chủ cần một khu bếp có nhiều chức năng độc đáo hơn, thiết bị chuyên dụng hơn như lò nướng, tủ đông chuyên dụng, tủ rượu, máy rửa chén… thì nhất thiết cần sự có mặt của các chuyên gia về bếp để có thể cung cấp cho gia chủ một giải pháp tổng thể và cụ thể, từ dây chuyền công năng đến quy cách kỹ thuật khi lắp đặt cũng như bảo quản trang thiết bị khi sử dụng. Chính phần thiết bị bếp và các “món ăn chơi” mới là phần ngốn chi phí nhiều nhất, đơn cử như hệ thống ray kéo, bản lề giữa hàng chợ và hàng hiệu khác nhau đến mấy chục lần!

Như vậy, bếp mới luôn đi kèm theo đòi hỏi về tính đồng bộ của hệ thống thiết bị, xu hướng màu sắc và phong cách trang trí, chứ không đơn giản là đắp vật liệu mới vào là xong. Các gia chủ cần được tư vấn kỹ càng về chủng loại, thương hiệu, giá cả, chất lượng của các trang thiết bị bếp có trên thị trường hiện nay. Sử dụng loại nào cho phù hợp, tiết kiệm chi phí mà vẫn thoả mãn được nhu cầu sử dụng, nhu cầu tận hưởng không gian và chia sẻ không gian? Những câu hỏi sâu về chuyên môn đó ngay cả các kiến trúc sư lâu năm hoặc nhà trang trí nội thất chuyên nghiệp nhưng không chuyên về bếp, ít cập nhật thiết bị bếp và vật liệu mới cũng có thể lúng túng. Mặt khác, trên thị trường cũng tồn tại không ít nhà cung cấp hệ thống bếp chỉ chăm chăm “riêng một góc trời” tính bếp theo mét vuông mét tới, nhồi nhét nhiều phụ kiện – trang trí chủ yếu làm “màu mè”, chưa bám sát thực tế túi tiền và khả năng sử dụng của gia chủ. Không biết có phải vì thế hay không mà hiện nay, nhiều gia chủ lẫn giới thiết kế – thi công đang quay về với những không gian của kiểu bếp một thời, bởi những cũ vẫn còn đó…

20131114094003406Có những gian bếp rất nhỏ hẹp nhưng khéo bố trí thì vẫn đủ sạch sẽ, tiện dụng và ấn tượng nữa!

Chớ nới cũ!

Nếu không có cũ thì làm sao có mới, nhất là đối với chuyện bếp núc, lại là bếp nhiệt đới, bếp Việt vốn mang những đặc thù riêng. Cho dù bếp mới không ngừng “cập nhật phiên bản” hấp dẫn hơn, thời trang hơn thì chức năng chính của nó vẫn là một nơi để phục vụ cho việc nấu nướng – soạn rửa. Người viết bài đã từng được nghe không dưới chục lần các gia chủ – nhất là những người trung niên đủ trải nghiệm – khẳng định: làm bếp thì phải đảm bảo cho tôi ba yếu tố căn bản, đó là bếp nấu được, bếp vệ sinh và bếp an toàn! Với những ai chuộng thực tiễn sử dụng, không đảm bảo được ba yếu tố trên thì cho dù khu bếp có đầu tư sang trọng, lộng lẫy cỡ nào đi chăng nữa thì cũng không đủ sức hấp dẫn họ. Cơ sở cho lập luận này rõ ràng xuất phát từ thực tế cho thấy nhiều gia chủ đầu tư tốn kém cho bếp sang trọng nhưng thường xuyên ăn… cơm tiệm! Lý do khá nhiều: nào là lập gia đình nhanh quá chưa kịp học nội trợ (?!), công việc bận bịu không có thời gian vào bếp, nào là ăn sáng ra ngoài ăn trưa công sở đến ăn tối thì nhẹ nhàng giữ eo, bếp toàn dành để pha nước và ngồi tán gẫu khi rảnh thôi. Thậm chí có gia chủ thích nấu nhưng không thích dọn rửa, làm xong phải có người khác dọn, hoặc nghiêm trọng hơn, làm… tanh bành không gian bếp, như thế là thuộc diện không nấu được chứ không phải là bếp không tiện dụng! Nói theo kiểu kiến trúc: nhu cầu công năng không rõ, vẽ ra bày đó để làm gì?

Còn bếp vệ sinh thì lại liên quan đến những phần chìm khuất mà các bà nội trợ rất ngại khi xảy ra sự cố. Đó là những vấn đề như giữ sạch nguồn nước cấp, lỗ nước thoát, giải quyết thông thoáng hút khói, khử mùi hay triệt tiêu mỡ bám, bố trí thùng rác tươm tất sạch sẽ, sàn nước để “hạ thổ hạ thuỷ” khi cần… Việc giữ vệ sinh trong khu vực bếp luôn là một vấn đề khó kiểm soát do tập quán nấu và ăn của xứ ta thường nhiều món nhiều mùi, nhiều ruồi nhiều gián, mưa nắng thất thường, ẩm mốc dễ có. Về lâu dài nếu thiếu vệ sinh nhiều ngóc ngách thì khu bếp sẽ trở nên mau chóng dơ bẩn, làm nơi trú ẩn thường xuyên cho mầm mống dịch bệnh. Có gia chủ đã phát biểu: bếp mới long lanh cỡ nào mà không làm cho thoáng cho tách biệt cho triệt để sạch sẽ thì… quay về cho đỡ tốn!

Còn vấn đề an toàn thì bếp cũ bếp mới gì cũng đều lo ngại, chuyện cháy nổ liên quan đến hệ thống nấu nướng như điện, gas, máy móc làm bếp… đều phải được ưu tiên lưu ý hàng đầu. Việc rò rỉ bình gas, chập mạch điện là những nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ cần phải được quan tâm xử lý ngay từ giai đoạn thiết kế và lắp đặt chứ không thể khoán trắng cho người sử dụng hay nhà cung cấp thiết bị tự lo được. Ví dụ như kiểu bếp đứng nấu ngay giữa phòng (island kitchen) thì chắc chắn phải có máy hút khử mùi chụp từ trên xuống, tốt hơn nữa là máy này có ống dẫn lên trần nối ra ngoài. Hoặc kiểu bếp gas dựa góc tường có gia chủ cẩn thận hơn còn đưa bình gas ra sân sau, làm hộc bêtông kiên cố có chừa lỗ thông thoáng, chứ không nhốt trong lòng tủ kín mít. Những chuyện “nhỏ mà không nhỏ” này từ khâu thiết kế đến lúc thi công nên biết để tư vấn, dự trù sẵn vị trí và kỹ thuật liên quan, tránh để đến khi làm đến bếp mới đục đẽo lung tung.

Một vấn đề không những cũ mà thuộc loại… rất xưa cũ trong việc thiết kế – thi công bếp, đó là phong thuỷ, được xem như lĩnh vực nhạy cảm, khó thống nhất bởi chín người mười ý! Người đọc sách hay lên mạng, kẻ nghe hàng xóm hoặc học lóm bạn bè, tệ hơn nữa là đi… coi thầy lung tung, ai nói gì cũng nghe dẫn đến việc xoay xoành xoạch cái hướng bếp để cầu tài cầu lộc cầu tự cầu an. Có trường hợp sau khi hỏi tuổi gia chủ thì “thầy phong thuỷ” phán ra một hướng bếp lệch với tường nhà chỉ vài độ lẻ làm cho quầy bếp bị xéo đi theo kiểu “chênh vênh” mà khi nhìn vào ai cũng tưởng đơn vị thi công làm lệch, chứ đâu có ngờ đó là tác phẩm của “thầy”! Nhưng với tâm lý thà chấp nhận có lệch có quẹo có kỳ cục một chút nhưng yên tâm để ở còn hơn cãi lời “thầy” lỡ có gì thì… khiến hầu hết các gia chủ đều tự mình trói mình vào những điều mê tín dị đoan chứ không còn là khoa học phong thuỷ đúng nghĩa nữa. Và do đó, vấn đề “mới chớ nới cũ” ở gian bếp chẳng phải là quay về với quan niệm bếp núc cũ kỹ, mà là cách kế thừa sao cho gạn đục khơi trong, phát huy tốt các giá trị cơ bản của bếp và nâng cao chất lượng không gian sống nhiều hơn.

Cùng Danh Mục

Bình Luận Facebook

bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

Hotline The Gioi Tu Bep Facebook Messenger