Những gian bếp đẹp với chi phí hợp lý
Thực ra mức độ thế nào để gọi là một căn bếp có chi phí đầu tư hợp lý thì cũng còn tuỳ thuộc vào từng gia đình. Từ quan niệm về bếp (gắn liền với cung cách ăn ở) của mỗi gia đình sẽ dẫn đến sự chọn lựa cách thức, kiểu dáng và chi phí để đầu tư cho gian bếp như thế nào. Những gian bếp giới thiệu dưới đây thể hiện cung cách đầu tư làm không gian bếp với chi phí hợp lý đó.
Bếp được thiết kế trong tổng thể kiến trúc từ đầu, có vị trí không gian đủ thoáng và thuận tiện sử dụng.
Bếp và phòng ăn đặt ở lầu vừa thoáng hơn đặt dưới trệt, lại dễ dàng quan sát toàn nhà.
Ngôi nhà phố nhỏ chiều ngang 3,5m này vừa ở vừa kinh doanh dưới trệt và tầng lửng, do đó gia chủ tách biệt lối vào của gia đình ở phía sau. Cầu thang đặt ở cuối nhà khi đi lên tầng lửng thì đi tiếp vài bậc ra phần bếp ăn ở lầu 1 phía trước, không xuyên qua phần kinh doanh đặt trên lửng. Bếp và phòng ăn khi đó đặt ở lầu vừa thoáng hơn đặt dưới trệt, lại dễ dàng quan sát toàn nhà. Kệ tủ làm bằng gỗ sồi, mặt đá granite kim sa, tường ốp kính laminate chịu nhiệt, các phụ kiện chọn loại tốt và kiểu dáng đơn giản, tiện dụng, dễ dàng vệ sinh, dọn rửa.
Bếp kế bên giếng trời lớn nơi lầu 1, dành hẳn khoảng sàn nước phía sau với cách bố trí bếp kiểu mở mà đóng.
Tương tự cách suy nghĩ “đưa bếp lên cao cho thoáng” cho dù không kinh doanh gì dưới trệt, ngôi nhà trong hẻm đường Nguyễn Thị Huỳnh (Phú Nhuận) này đặt bếp kế bên giếng trời lớn nơi lầu 1, dành hẳn khoảng sàn nước phía sau với cách bố trí bếp kiểu mở mà đóng. Mở là bếp gần như khá trống phía phần sau nhà để khói mùi và nắng gió ra vào thuận tiện. Còn đóng là bếp không lộ diện theo kiểu “khoe hàng” mà được ngăn tương đối với phòng ăn bởi quầy bar và tủ kệ.
Bếp dùng gỗ căm xe màu sậm đồng bộ với quầy bar cũng như hệ thống cửa trong toàn nhà.
Cho dù có khuôn viên tương đối rộng dạng biệt thự phố, bếp và phòng ăn nằm về phía sau nhìn ra khoảng cây xanh nhưng gia chủ ngôi nhà bên khu dân cư An Phú Hưng, quận 7 này vẫn làm một khu bếp khá đơn giản và gọn ghẽ. Do kề bên một phòng vệ sinh nhỏ nên gia chủ đã đặt làm tấm bình phong bằng gỗ vừa che hông của tủ lạnh vừa ngăn lối đi vào toilet. Bếp ở đây được dùng gỗ căm xe màu sậm đồng bộ với quầy bar cũng như hệ thống cửa trong toàn nhà. Thiết kế tủ kệ khá gọn và gần như khép kín hình chữ U.
Như vậy, có thể “sơ kết” đặc điểm chung của những căn bếp kể trên như sau:
Được thiết kế trong tổng thể kiến trúc từ đầu, có vị trí không gian đủ thoáng và thuận tiện sử dụng, gia chủ không quan niệm bếp là nơi để “khoe” hay kết nối, giao lưu gì nhiều, mà thiên về bố trí bếp kín đáo vừa đủ, thuận tiện cho sử dụng nội bộ nhiều hơn.
Lược bỏ một số chi tiết không phù hợp với nhu cầu sử dụng so với mẫu kệ trưng bày trong showroom, và giữ lại những đặc điểm mang tính đặc trưng cung cách nấu nướng Việt. Đó là gian bếp được gần nắng gió bên ngoài để có nơi úp chén cho khô ráo, hay thoáng khí nếu chiên xào nhiều khói mùi. Có quan tâm yếu tố phong thuỷ – văn hoá truyền thống trong việc bố trí bếp, che chắn cho bếp.
Sử dụng vật liệu với giá cả từ mức trung bình cho đến khá, như gỗ tự nhiên căm xe hoặc sồi, ván MDF phủ veneer, ván MDF sơn, giá cả dao động trong khoảng 6 triệu đồng/mét dài đến 13 triệu đồng/mét dài (tủ trên và dưới, chưa kể mặt bàn đá).
Đầu tư xác đáng chi phí cho phụ kiện bếp (máy hút khói khử mùi, ray kéo, bản lề, tay nắm, bồn rửa, bếp nấu …) vì vậy phần khung xương tủ kệ bếp được giảm giá xuống trong mức độ vừa phải để dồn tiền cho hệ thống thiết bị được tốt hơn.
Thị trường kệ bếp hiện nay rất đa dạng với đủ nhãn hiệu từ trung bình đến cao cấp, thậm chí có cả kệ bếp nhập khẩu trọn bộ từ Malaysia, Mỹ hay Đức, giá cả đến vài trăm triệu đồng, phù hợp với nhu cầu tăng cao của khách hàng trung lưu ở căn hộ, biệt thự cao cấp, đòi hỏi những gian bếp có thiết kế lạ đẹp, hấp dẫn và độc đáo. Tuy nhiên vẫn không thể quên kể đến những gian bếp được làm một cách vừa phải và mang nhiều tính chất “khéo co thì ấm”, thể hiện xu hướng tiêu dùng của nhóm đối tượng khách hàng cũng khá phổ biến hiện nay.
Leave a Reply