Những tiêu chí khi chọn bếp âm
Bếp âm là lựa chọn của phần lớn các gia đình hiện nay khi xây nhà mới. Rõ ràng tính thẩm mỹ, tiết kiệm không gian của bếp âm là những yếu tố giúp mặt hàng này ngày càng được các bà nội trợ ưa chuộng.
Bếp âm trên thị trường hầu hết đều được sản xuất trên nền kính cường lực. Giá của bếp âm hầu như không thay đổi so với những ngày đầu có mặt, vẫn dao động từ 2 – 4 triệu rưỡi đồng đối với dòng gia công tại Châu Á và 4 – 15 triệu đồng cho loại nhập nguyên chiếc từ Ý, Mỹ, Nhật – những quốc gia mạnh về đồ dùng nhà bếp. Khi có ý định mua một chiếc bếp âm, mời bạn tham khảo 10 lưu ý sau đây:
1. Số lượng bếp: Bếp âm có 1 – 6 ổ nấu trên bề mặt, tương đương với số lượng nồi bạn có thể sử dụng cùng một lúc. Tuy vậy, hơn 80% bếp âm có 2-3 ổ nấu thích hợp dành cho gia đình từ 4-10 người. Nếu mua bếp từ 3 ổ trở lên, nên lưu ý khoảng cách giữa các ổ sao cho vẫn đủ cho các chiếc nồi tối thiểu 20cm nấu cùng một lúc. Nếu khoảng cách quá hẹp, việc mua nhiều ổ mà không dùng một lúc sẽ trở nên lãng phí.
2. Điện hay pin: Hệ thống đánh lửa của bếp âm dùng gas có hai loại là dùng điện hoặc pin. Loại dùng pin lại chia làm hai là loại dùng pin tiểu (trung bình 3 tháng thay 1 lần) và dùng pin đại (6 – 9 tháng thay 1 lần). Nếu chọn loại dùng điện theo kiểu cắm dây truyền thống để tránh rắc rối khi thay thế pin, thì bạn cũng cần mua thêm cây kích điện bằng tay (giá khoảng 100.000 đồng) phòng khi nhà cúp điện. Giá của công nghệ này cơ bản không khác nhau.
3. Xuất xứ: dĩ nhiên hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ Ý, Nhật (hai cường quốc về bếp âm) giá sẽ cao hơn nhiều, thường gấp 2-3 lần loại gia công ở nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan… và thường phân biệt bằng dòng chữ Made in Italia hoặc Made in Japan trực tiếp trên bề mặt sản phẩm.
Nếu bếp âm là bếp ga, bạn nên chọn loại lắp ráp châu Á để có giá rẻ, và phần lớn sản phẩm dùng ga không đặt nặng độ bền do nguyên liệu mà lại phải chứng minh qua cách người tiêu dùng sử dụng sản phẩm.
4. Dùng gas hay dùng điện: người Việt Nam chủ yếu dùng bếp âm để nấu gas. Tuy nhiên một số loại bếp âm lại chuyên về bếp điện từ, hoặc kết hợp cả hai. Dùng gas hay điện đều có những ưu và khuyết điểm riêng. Lời khuyên cho bạn là nên chọn mua một loại để dễ dàng khi sử dụng, tránh cập rập, và nếu kết hợp cả hai thì giá của chúng cũng khá đắt, từ 10 triệu đồng/chiếc trở lên.
5. Nền: phần lớn bếp âm sản xuất trên nền kính cường lực 10 ly. Cũng có loại lấy đá hoa cương làm nền, bọc inox xung quanh, hoặc có loại làm từ hợp kim thép không rỉ. Nền bếp phụ thuộc vào yếu tố cảm tính, giá thành 3 loại vật liệu này không chênh lệch nhiều. Giá chủ yếu phụ thuộc vào xuất xứ sản phẩm.
6. Đa năng: một số tính năng mới của bếp âm là hệ thống báo giờ khi nấu ăn ( nút đính kèm), hệ thống ngắt gas tự động, màu sắc đa dạng hơn… Các tính năng này không ảnh hưởng nhiều đến giá thành các loại bếp.
7. Đế chịu: thường có hai loại là sắt sơn tĩnh điện và gang. Sắt có ưu điểm nhẹ nhưng dáng thanh mảnh, cho cảm giác không chắc chắn nhất là khi chịu lực cho nồi 20 lít trở lên. Đế đúc bằng gang khá to, nặng nên cảm giác vững chãi. Cũng vì nặng nề, khi vệ sinh bạn nên thận trọng vì rất nhiều trường hợp va chạm giữa đế chịu và bề mặt gây hư tổn.
8. Thi công: thông thường bếp âm được mua trong giai đoạn thi công làm nhà mới, kệ bếp mới nên bạn có thể chọn bất cứ mẫu nào với kích thước không hạn chế. Cũng có trường hợp mua bếp về thay thế thì bạn buộc phải mua theo kích cỡ của bếp cũ hoặc xê xích một chút nhưng không đáng kể. Chiều dài của bếp âm gia đình dao động từ 75 – 86cm. Một số hệ thống phân phối có nhận cắt bếp theo yêu cầu nhưng dĩ nhiên sẽ không sắc sảo như nguyên mẫu. Vì thế nên chọn mua bếp có kích cỡ tương đối, thông dụng để dễ thay thế sửa chữa.
9. Chọn màu :Hầu hết các bấp âm trên thị trường có màu đen vì độ bóng bẩy và cảm giác sạch sẽ, sang trọng. Một vài màu khác như xanh lá cây, xanh dương, cam, trắng kem… dùng cho các không gian nhà có tông màu bếp trùng với màu sơn tường hay cách trang trí. Nếu nhà bạn đã có gam màu nổi hoặc thích sự đơn giản, màu đen cho nền bằng kính chịu lực là lựa chọn hoàn hảo.
10. Phụ kiện và bảo hành: bếp âm đã khá thông dụng nên việc chọn mua phụ kiện không còn khó khăn. Bếp âm khá chuẩn trong cấu trúc, nên phụ kiện của các nhãn hiệu khác vẫn có thể dùng chung nếu cùng kích thước bếp và ổ nấu. Thời hạn bảo hành cũng là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt đối với bếp âm điện từ. Thời hạn bảo hành từ 1-3 năm, đặc biệt là sản phẩm nhập nguyên chiếc từ Ý – Nhật chỉ bảo hành 1 năm. Do đó bạn nên chọn loại gia công châu Á nếu muốn bảo hành dài hơn.
Theo: Phụ nữ online
Leave a Reply