Nơi gặp gỡ ấm cúng
Đối với khách thân tình, khách quý… người Việt thường mời dùng bữa tại nhà. Do vậy phòng ăn, bàn ăn luôn là điểm “dừng chân” lý tưởng cho mọi cuộc gặp mặt thăm hỏi.
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
Trong nếp nhà truyền thống, nhà ở nông thôn hay dọn bữa ăn ra ngay tại bộ bàn ghế tiếp khách. Nhà ở hiện đại có tách bạch rõ ràng hơn, nâng cao vai trò của bếp, đưa bàn ăn vào bên trong để trở thành một phần sinh hoạt nội bộ của riêng gia chủ. Những nhà có diện tích rộng thường sắp xếp phòng ăn riêng biệt (khi đãi tiệc, họp mặt bạn bè) tách biệt với bàn ăn dùng thường ngày. Cách làm này có lợi điểm là giúp phần đối nội, đối ngoại trở nên rõ ràng, nhưng không phải gia đình nào cũng áp dụng được. Giải pháp trung hòa là bố trí một bàn ăn đủ trang trọng gần với khu vực bếp, kết hợp trong bếp có thêm bàn ăn phụ kiêm bàn soạn cho bếp.
Tương tự như phòng khách, hướng ngồi của gia chủ và khách trong phòng ăn– bàn ăn nên ưu tiên cho khách điểm nhìn đẹp và tránh những vị trí nhìn vào bếp, tránh ngồi gần phòng vệ sinh, sàn nước. Vị trí ngồi của khách cũng nên ít va chạm với các luồng di chuyển phục vụ bữa ăn (như đưa thức ăn ra, dọn bàn). Nói chung các vị trí chính yếu nên ổn định (không phải đi lại nhiều trong bữa ăn), có điểm tựa phía sau (tường, tủ kệ) và tầm nhìn bao quát tốt. Nếu bàn ăn gần cửa sổ thì nên kê ghế theo hàng dọc để mọi vị trí có thể quan sát cửa sổ, tránh ngồi ngang hoặc có một ghế xoay lưng ra cửa sổ.
Bài trí cụ thể
Một không gian ẩm thực gọn sạch, thoải mái ngoài các yếu tố về diện tích, còn rất cần những bài trí nội thất theo đặc trưng riêng. Vị trí phòng ăn nếu nhìn được ra không gian thoáng đãng bên ngoài thì người ngồi ăn không có cảm giác nóng nực và được thư giãn tốt hơn. Cũng cần hạn chế bớt các máy móc (ti-vi, máy tính) bởi những thiết bị này vừa có từ tính, không hợp vệ sinh, vừa làm mất tập trung trong bữa ăn (nhất là đối với trẻ em). Đồ dùng phòng ăn cần tránh góc nhọn sắc, trong đó gỗ là tốt hơn cả. Những bức tranh phong cảnh hay tĩnh vật, tiếng nhạc êm dịu luôn tạo không khí ôn hòa, nhẹ nhàng và được đa số thực khách ưa chuộng. Nên dùng ánh sáng nhẹ và tránh để quạt hay máy lạnh chiếu thẳng vào thực khách, nếu có thể thì nên sử dụng thông thoáng tự nhiên hoặc bố trí bàn ăn tại hàng hiên, sân vườn sẽ tăng thêm tính thiên nhiên, tạo không khí thân thiện.
Đồ dùng phòng ăn nên lấy yếu tố thân thiện làm chủ đạo, trong đó đồ gỗ được ưa chuộng hơn cả
Không gian trà đàm tạo khoảng thư giãn hữu ích cho nội thất
Đôi khi chỉ một bàn nhỏ dưới tán dù hay góc ngồi quây quần bên cầu thang vẫn tạo thế lấy tĩnh chế động, lấy âm bù dương hiệu quả cho nơi họp mặt bạn bè.
Theo: Tư vấn kiến trúc
Leave a Reply