Thiết kế quầy bar đẹp mắt cho bếp
Dù trong không gian khiêm tốn hay rộng rãi đều có thể thiết kế quầy bar trong bếp. Quầy bar thường được thiết kế cao để che chắn “họng” – hướng bếp đối xứng với cửa ra vào. Thực tế quầy bar đó còn nhiều ứng dụng hữu hiệu khác trong nhịp sống của gia đình và ở đó còn là yếu tố thẩm mỹ.
Quầy bar trong bếp có thể dụng vào việc làm bàn ăn thường khi
Khuôn viên bếp có thể thiết kế hình chữ G, chữ U hay L và ở những hình thù đó đều gắn kết được với một quầy bar để “đóng khung” thành khu vực chế biến thức ăn. Quầy bar thường cao hơn kệ bếp chừng 30 – 40cm để vây tầm nhìn hướng từ ngoài vào trong các bếp lò, bồn rửa… Phía trên bàn bar nhiều khi còn lắp đặt những khung kệ kính đựng đồ hộp, thức ăn khô… và dàn khung treo ly. Với cách tổ chức liên hoàn vậy, quầy bar có vài cái ghế xoay cao thì việc quây khu vực bếp lại được gọn ghẽ hơn và mang lại nét trang trí thẩm mỹ riêng.
Đảo bếp – nơi sửa soạn bữa ăn, dưới đảo thiết kế được một loạt tủ kệ để đựng nhiều vật dụng nhà bếp.
Ngoài các yếu tố che chắn bếp lò, tạo vị trí tách bạch, bài trí đẹp cho bếp; bar còn có những công năng sử dụng hữu ích khác. Mỗi sáng, buổi điểm tâm “nhỏ gọn” với trứng chiên bánh mì, thực phẩm ăn nhanh, trà cà phê… giữa vài thành viên trong gia đình đều có thể diễn ra nhanh, gần gũi và thân thiện ngay tại quầy bar này; giảm bớt thời gian và công sức dọn ra bàn ăn chính. Hoặc với một hai người bạn thân thích của gia chủ đều có thể tổ chức nấu nướng và nhâm nhi vài chén rượu, ly bia tại quầy bar, tạo không khí thêm đầm ấm. Trong nhịp sống công nghiệp hay trong không gian hạn chế của khu vực bếp, nhiều khi gia chủ muốn thiết kế, lấy quầy bar làm luôn bàn ăn cho gia đình chừng bốn thành viên. Nhiều lúc nhà nhỏ hẹp, thiết kế tại khu vực bếp có bar “lưu động” được “giấu” dưới kệ hay bên kệ bếp – kéo ra hoặc bật ra thành cái bàn ăn.
Một biến thái khác như quầy bar và cũng có nhiều tiện ích là “đảo bếp” – nơi chuẩn bị soạn sửa cho những bữa ăn. Đảo như một cái bàn thường đặt song song ngoài dãy kệ bếp và tận dụng bàn này làm luôn bàn ăn. Bên dưới bàn có thể tổ chức những ngăn kéo, hộc tủ chứa được nhiều vật dụng, đồ dùng và thực phẩm; từ đó làm gọn gàng không gian chung của nhà bếp. Mặc dù, thực chất đảo bếp là điểm trung chuyển thức ăn từ bếp ra bàn ăn. Hoặc quan niệm bị “vướng” vấn đề phong thuỷ, đảo cũng là “vật dụng” trung gian che chắn “miệng” bếp lò. Lắm khi, thiết kế đưa bếp lò ra phía đảo để miệng bếp xoay vào trong. Hoặc đưa bồn rửa và vị trí chế biến thức ăn ra đảo để tách bạch với phần bếp lò trên kệ bếp nằm phía trong – hai khu vực này nằm đối xứng nhau.
Dù cách thiết kế và tổ chức nào thì bar trong bếp vẫn có những tác dụng nhất định, nhất là đối với những con người sống trong ngôi nhà đó. Vì khu vực bếp luôn có tần suất sử dụng cao mỗi ngày. Không thể thấy đẹp, hay hay thì sắm về mà quên đi tính chất cao nhất là công năng sử dụng phù hợp.
Leave a Reply