Đồ dùng nhà tắm sạch sẽ nhờ vệ sinh đúng cách
Phòng tắm là nơi xả stress rất tốt cho tất cả mọi người sau những giây phút làm việc căng thẳng, mệt mỏi chính vì vậy đừng để niềm vui của bạn bị gián đoạn bởi những vết bẩn cứng đầu trên các thiết bị phòng tắm nhé.
Hãy tham khảo một số mẹo làm sạch các thiết bị phòng tắm dưới đây để giữ gìn sức khỏe của bạn, đồng thời cũng là cách bảo quản cho các thiết bị vệ sinh được mới và lâu bền hơn.
1. Làm sạch gương
Gương phòng tắm là một thiết bị trang trí giúp phòng tắm thêm nổi bật. Tuy nhiên những vết ố nước, xà phòng lưu lại trên gương làm tấm gương trong phòng tắm trở nên xấu xí và đục mờ. Cách giải quyết rất đơn giản, bạn hãy dùng kem cạo râu để lau gương, chiếc gương sẽ trở nên sáng bóng như mới.
2. Làm sạch bề mặt bồn rửa mặt
Bồn rửa mặt cũng cần làm vệ sinh sạch sẽ bằng cách bạn hãy trộn chung 2 muỗng baking soda, 1 bát nước, 1 nửa bát giấm và một ít nước rửa bát để tạo thành hỗn hợp lau rửa nhằm tẩy sạch mốc và cặn xà phòng bám quanh cạnh bồn rửa mặt. Hỗn hợp này không chỉ giúp loại bỏ những chất bẩn cứng đầu mà còn giúp bề mặt đá của thiết bị phòng tắm đẹp nhà bạn trông sáng bóng hơn.
3. Vành toilet và bồn cầu ố màu
Vành toilet và bồn cầu là những nơi rất dễ bị ố màu, có nhiều vi khuẩn. Ngoài việc sử dụng các loại dung dịch tẩy rửa có sẵn trên thị trường, bạn còn có thể tự chế cho mình một chất tẩy rửa khác, an toàn và rẻ tiền hơn bằng dấm ăn và baking soda. Bạn chỉ cần chuẩn bị một cốc dấm trắng và một thìa canh baking soda (một loại thuốc muối dùng trong nấu nướng, có thể mua ở các hàng làm bánh) rồi đổ cả hai thứ vào toilet, ngâm trong khoảng 30 phút, sau đó dùng bàn chải chà rửa bồn cầu sạch sẽ. Chiếc bồn cầu trắng sáng sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên và bất ngờ hoặc bạn có thể dùng hỗn hợp chanh và hàn the. Bạn chỉ việc trộn chung 2 loại nguyên liệu này với nhau và dùng nó để cọ các vết bẩn.
4. Loại bỏ nấm mốc ở góc vòi sen và bồn tắm
Vòi sen, góc bồn tắm và các loại vòi trong phòng tắm thường xuyên ẩm ướt, vì vậy không thể tránh khỏi việc chúng bị nấm mốc, đóng cặn. Trong trường hợp này, dấm ăn sẽ là cứu tinh cho thiết bị phòng tắm của bạn. Phun dấm vào các bề mặt cần tẩy rửa, chờ dấm khô sau đó dùng giẻ cọ mạnh, các vết mốc sẽ bốc hơi mà không còn vết tích.
5. Đánh bay vết rỉ sét
Những vết rỉ sét làm cho các thiết bị phòng tắm cao cấp của bạn trông kém phần sạch sẽ, những vết rỉ này bám rất dai. Kem đánh răng chính là cứu cánh cho bạn trong trường hợp này. Bôi kem đánh răng vào vết rỉ sét, để chừng 10 phút rồi dùng bàn chải chà mạnh, những vết rỉ tự khắc sẽ bong ra để trả lại cho bạn một nhà tắm sáng sạch như mới.
6. Làm sáng vòi nước
Vòi nước lâu ngày thường bị bám các vệt trắng do trong nước máy có nhiều canxi và magiê. Bạn hãy lấy miếng khăn giấy tẩm giấm rồi quấn quanh vòi nước, để trong 1 tiếng. Trong thời gian đó có thể tẩm thêm giấm vào khăn nếu cần. Tháo khăn, lau sạch vòi nước và chà đi những vết bám cứng đầu bằng chiếc bàn chải cũ.
Các bạn lưu ý không nên sử dụng hóa chất để tẩy rửa thiết bị phòng tắm, bởi lớp mạ sáng bóng trên thân sản phẩm rất mỏng. Nên dùng loại khăn bông để lau, vừa thấm hút tốt, vừa không làm trầy xước bề mặt thiết bị phòng tắm. Việc lau sạch nước trên bề mặt, tránh đóng cặn vôi loang lổ trên sản phẩm là một thói quen nên duy trì hằng ngày, sẽ hạn chế các lớp cặn vôi tích tụ, đóng dày lên, rất khó làm sạch trên thiết bị phòng tắm. Ngay cả với những thiết bị phòng tắm do bị bám cặn vôi lâu ngày, bạn nên kiên trì làm theo cách trên. Hoặc có thể dùng khăn bông thấm chút dấm để lau hay bọc ra ngoài thiết bị, để vài tiếng rồi rửa lại bằng nước sạch và lau khô.
Sau khi vệ sinh thiết bị phòng tắm, chúng ta nên trang trí nhà tắm sao cho cuốn hút và mới mẻ hơn các bạn nhé!
Leave a Reply