Nước trong phòng tắm
Khi phòng tắm trở thành không gian quan trọng trong căn nhà hiện đại, người ta sẽ phải quan tâm đến nhiều yếu tố trong đó. Và nguồn nước là yêu cầu tối cần thiết đầu tiên,
liên quan đến nước bơm từ giếng khoan, áp lực nước đến bể ngầm, đến thiết bị…
Sau khi đã có nguồn nước đến được cung cấp cho căn nhà – điều bắt buộc phải có, đừng quên nguồn nước đi (nước thoát). Nước sinh hoạt (tắm, giặt) có xà phòng phải được dẫn vào hố ga và nối ra cống thoát không được đưa vào bể tự hoại.
Chỗ tắm đứng cần hạ nền xuống thấp hơn. Ảnh: VNK
Nước trực tiếp từ bồn cầu phải vào bể tự hoại, từ đó được nối vào hố ga để ra cống thoát. “Đến và đi” là chuyện đơn giản nhưng lại dễ nhầm lẫn. Cũng cần biết công năng của những loại thiết bị máy nóng, lạnh. Máy nóng trực tiếp chi phí thấp, dễ lắp đặt nhưng không sử dụng đồng bộ cho bồn tắm, tắm đứng, lavabo. Máy nóng gián tiếp lưu trữ nước nóng đồng bộ cho các thiết bị vệ sinh nhưng thường chiếm không gian và tất nhiên chiếm kha khá khoản tiền điện.
Máy dùng năng lượng mặt trời dễ dàng cung cấp đồng bộ cho cả ngôi nhà nhưng chi phí cao (đường ống dẫn dài). Mùa mưa hay khu vực nắng yếu sẽ không đủ nước nóng sử dụng. Hệ thống máy năng lượng mặt trời thường không tiện cho hộ chung cư.
Nếu nhà bạn sử dụng một góc trong nhà tắm là chỗ tắm đứng, chú ý hạ nền để tạo độ dốc và thu nước, có vách ngăn không để nước làm ướt những khu vực khác. Hơi nước khi sử dụng nước nóng thường dễ làm ố gương soi, tạo độ ẩm cao khiến vật dụng như khăn, quần áo dễ ẩm, gây mùi khó chịu. Vì vậy, khu vệ sinh phải đủ độ thông thoáng để rút khí ẩm nhanh. Dùng quạt hút, mở cửa sổ trực tiếp ra ngoài khu vực có ánh sáng tự nhiên là cách để giải quyết được hơi nước.
Với nước thấm, thử áp lực đường ống trước khi ốp gạch là việc quan trọng hàng đầu. Cách thử chính quy là bít tất cả đầu ra của ống cấp, dùng bơm áp lực có gắn đồng hồ để bơm nước vào đường ống cho đạt mức áp lực theo yêu cầu thiết kế, chờ một khoảng thời gian nhất định, đọc lại đồng hồ thấy tụt áp là đạt yêu cầu. Cách thử đơn giản hơn là bơm nước lên bồn trên mái, đóng các đầu ra, xả nước vào đường ống để xem rò rỉ chỗ nào thì xử lý chỗ đó.
Leave a Reply